Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

Ai cũng có thể thành Phật

Trích: Long Thư Tịnh Ðộ Văn
của cư sĩ Hư Trung Vương Nhật Hưu đời Tống

Mạnh Tử nói: “Ai cũng có thể là Nghiêu, Thuấn”. Tuân Tử nói: “Người tàn ác cũng có thể trở thành ông Vũ”. Thường Bất Khinh Bồ Tát nói: “Tôi chẳng dám khinh các ngài, các ngài đều sẽ thành Phật” là vì ai cũng có thể là thánh hiền, cũng có thể thành Phật. Tây Phương Tịnh Ðộ chính là đường lối tắt trọng yếu, không ai chẳng tu được. Vì thế, khuyên khắp mọi người nên tu trì.
Kệ khuyên tu Tây Phương của Ðại Từ Bồ Tát có câu:
Khuyên được hai người tu,
Như chính mình tinh tấn
Khuyên được mười người khác
Phước đức đã vô lượng
Nếu khuyên trăm, ngàn người
Ðáng gọi chơn Bồ Tát
Lại khuyên hơn vạn người
Chính là Phật Di Ðà.
Xem đó thì biết thuyết Tây Phương chẳng phải là cái tâm quảng đại muốn cho người người cùng biết đến đạo này để tích tụ vô lượng phước báo hay sao?
Phàm đối với thầy, bạn, những bậc có ân, tính xuống cả tôi tớ đều nên lấy việc bảo cho họ biết về pháp Tịnh Ðộ để báo đáp. Phàm đối với hết thảy những ai dù biết hoặc không, hiểu hay chẳng hiểu, ta đều muốn dùng pháp này để giáo hóa khiến họ cùng sanh Tịnh Ðộ.
Hết thảy chim bay, thú chạy, thậm chí loài trùng bay, bò, cựa quậy, bất cứ loài nào có hình tướng thấy được, hễ ta trông thấy thì đều vì chúng niệm Phật vài tiếng, phát thiện nguyện rằng:
“Nguyện các ngươi hết kiếp sống này sẽ sanh vào thế giới Cực Lạc. Sau khi ta đắc đạo sẽ độ hết các ngươi”.
Ðối với những loài ta chẳng thấy được hình tướng của chúng thì cũng nên phát nguyện như vậy.
Như thế thì thiện niệm mới chín muồi, đều có duyên đối với hết thảy chúng sanh, ắt sanh trong Thượng Phẩm Thượng Sanh, mai sau hóa độ không ai chẳng vui thuận theo.
Trai tăng cúng Phật, thắp hương, dâng hoa, treo phan, dựng tháp, niệm Phật, lễ sám là những cách để sùng phụng Tam Bảo, đem công đức ấy hồi hướng nguyện sanh Tây Phương cũng được.
Hoặc là làm các thứ việc lành phương tiện lợi ích thế gian:
Hoặc là hiếu dưỡng phụ mẫu, yêu mến bạn bè, con em, trong khuê môn hết sức làm lành, họ hàng hòa thuận, xóm giềng làng nước thân thiết, lấy lễ đãi nhau, làm ơn cho nhau.
Thờ vua thì dốc lòng son báo quốc, làm quan thì nhân từ lợi dân, khéo an quần chúng, chăm phục vụ cấp trên.
Hoặc dạy dỗ kẻ ngu mê, hoặc giúp người cô đơn, yếu đuối. Hoặc giúp kẻ mắc việc cấp bách, chu cấp người nghèo. Hoặc sửa cầu đào giếng, hoặc thí thuốc chia cơm, hoặc giảm việc phụng dưỡng chính mình để làm lợi người khác, hoặc bỏ tiền của giúp người.
Hoặc là tự tiết kiệm, giản ước, hoặc dạy người khác làm lành, hoặc khen thiện, ngăn ác. Tùy sức làm hết thảy việc lành. Dùng đó để hồi hướng nguyện sanh Tây Phương cũng được.
Hoặc làm hết thảy những việc lợi ích thế gian chẳng nệ là lớn, nhỏ, nhiều, ít.
Dù chỉ là thí một đồng hoặc một chén nước cho người, thậm chí với mảy may điều lành đều khởi niệm rằng: “Dùng thiện duyên này hồi hướng nguyện sanh Tây Phương”, thường khiến cho nhất niệm chẳng đoạn, niệm niệm hướng về đó ắt sẽ sanh trong Thượng Phẩm.
Tu Tịnh Ðộ nên thuận theo địa vị của mình mà làm lành để giúp công cho việc tấn tu:
a. Tăng phải nên sớm tu Tịnh Ðộ để thoát ngay ra khỏi luân hồi, gặp gỡ Phật A Di Ðà thì mới là hoàn tất phận sự của người xuất gia. Hễ nhận lấy một đồng cúng thí của người khác, được cúng một bữa ăn đều phải nên vì người đó dạy cho pháp Tịnh Ðộ để báo đức. Dù kẻ ấy chẳng tin cũng khiến cho người ấy biết đến pháp này. Nghe quen tai dần, lâu ngày sẽ tự tin. Hãy nên thường giáo hóa người khác như thế thì hiện đời được người khác cung kính, thân sau ắt đạt Thượng Phẩm Thượng Sanh.
b. Kẻ sĩ phải nên chăm chỉ học hành, dốc lòng hiếu thuận, nghĩ xa đến đời ông tổ, ông sơ của mình nếu ai còn sống thì làm cho họ lưu tâm nơi đạo này.
c. Hàng quan lại phải tu phước, làm các phương tiện nhằm ái nhân lợi vật. Dùng đấy để hồi hướng Tây Phương, thoát ngay ra khỏi luân hồi, thọ - lạc vô cùng.
d. Kẻ giàu nên tùy phận mà sống, giảm tiêu xài để giúp người, chẳng tiếc của làm lành, chẳng tham của làm ác, thường nghĩ phước thế gian có lúc hết. Nếu hồi hướng về Tây Phương thì sẽ vô tận.
e. Kẻ gặp lắm nỗi truân chiên đừng oán trời trách người, nên siêng sám hối, thường niệm Phật cho tiêu túc chướng, tăng trưởng thiện duyên.
Nếu có thể lần lượt giáo hóa người khác như thế khiến cho họ lại khuyến hóa người khác thì hiện đời có thể tiêu tai, được phước, thân sau ắt sanh trong Trung Phẩm, Thượng Phẩm.
Nông, thương đều nên tự nghĩ: Cày cấy sát hại sanh mạng loài vật, mua bán sao khỏi có lúc dối trá, hãy nên tránh chuyện ngoắt ngoéo, sám hối làm lành. Kẻ làm thợ đừng mong mỏi quá đáng, nên làm việc tận tâm.
Ai nấy đều nên thường niệm Phật, nguyện thấy Phật đắc đạo rồi thì trước hết sẽ độ những kẻ mình trót đã sát hại từ khi sinh ra đến nay cũng như những chúng sanh mình từng giao thiệp. Kế đó, độ hết thảy kẻ oán, người thân và chúng sanh hữu duyên, vô duyên. Niệm niệm bất tuyệt như thế, niệm tự thuần thục, nhất định sanh về thế giới Cực Lạc.
Nếu ai nấy làm như thế để giáo hóa người khác, khiến cho họ lại khuyến hóa người khác thì hiện đời được phước, thân sau ắt sanh trong Trung Phẩm, Thượng Phẩm.
Kẻ chài lưới, săn bắn, đồ tể, đầu bếp và người mở tiệm ăn đều phải nên tự nghĩ: cá, tôm, cầm thú đều là tánh mạng mà mình sát hại, tội ấy vô lượng. Nếu có thể đổi nghề thì là tốt nhất. Còn nếu không đổi ngay được thì nên giảm bớt dần, chớ giết nhiều mạng những loài vật nhỏ và ốc, hến, lươn, ba ba v.v… là những con vật khó chết.
Thường niệm Phật sám hối, phát đại nguyện rằng: “Nguyện sau khi tôi thấy Phật đắc đạo, sẽ độ hết những kẻ bị tôi giết và bị tôi ăn thịt từ khi sanh ra đến nay khiến đều sanh Tịnh Ðộ”.
Niệm niệm bất tuyệt như thế, niệm tự thuần thục cũng sanh về thế giới Cực Lạc. Nếu giáo hóa người khác như vậy, khiến họ lại khuyến hóa người khác thì hiện thế sẽ tiêu tai diệt tội, thân sau cũng chẳng ở trong Hạ Phẩm Hạ Sanh.
Kẻ trong chốn phong trần cũng nên tự tỉnh ngộ, đoạn trừ dâm nghiệp. Nếu chưa đoạn nổi thì thường niệm Phật, phát đại nguyện rằng:
“Nguyện ác nghiệp của con ngày một tiêu trừ, thiện nghiệp ngày một tăng trưởng, cơm áo tạm đủ, chóng thoát khỏi chốn này. Sau khi gặp Phật đắc đạo rồi sẽ độ cho hết thảy những người vì tôi mà làm chuyện dâm dục đều sanh Tịnh Ðộ”.
Kẻ tội ác bịnh khổ nên gấp sám hối, hồi tâm niệm Phật, thệ nguyện chẳng làm ác sát sanh nữa, chẳng còn lại não hại hết thảy chúng sanh nữa. Nguyện đời này sớm hết bịnh khổ; sau khi gặp Phật đắc đạo sẽ độ cho hết chúng sanh bị mình sát hại trong đời trước, đời này và hết thảy kẻ oán, người thân đều sanh Tịnh Ðộ.
Niệm niệm bất tuyệt, niệm tự thuần thục quyết định sanh về thế giới Cực Lạc. Nếu giáo hóa người khác như vậy, khiến họ lại khuyến hóa người khác thì hiện thế sẽ tiêu tai diệt tội, bịnh khổ ắt lành. Phước báo vô cùng, thân sau ắt sanh về thế giới Cực Lạc.

Thiện Đạo Đại Sư Ngữ Lục

Cẩn Dịch : Vọng Tây Cư Sĩ

Giới thiệu pháp môn Tịnh Độ:
Pháp môn Tịnh Độ là do Phật A Di Đà kiến lập, Thích Ca Mâu Ni Phật đã tuyên dương, mười phương tất cả chư Phật đều cùng khen ngợi đại pháp vô thượng siêu thắng khác biệt. Do lòng tin sâu này, mà phát ra nguyện vọng chân thật, nhàm chán Ta Bà, không sợ chết, bằng lòng xả bỏ tất cả thế gian vô thường; vui cầu Cực Lạc, thích được chết, bằng lòng chết sớm một chút, sớm một chút được vãng sanh Tây Phương, thân cận Phật A Di Đà.
Chuẩn bị đầy đủ loại tâm tình Tín nguyện này, bất cứ chúng sanh nào trong mười phương, chỉ cần xưng niệm “A Di Đà Phật”, Phật A Di Đà liền sẽ y theo thệ nguyện đích thân tiếp dẫn, dùng Phật lực tiếp độ chúng sanh niệm Phật, vượt khỏi sanh tử, vĩnh thóat luân hồi.

Tâm tình của người niệm Phật:
Ba ơi! Con muốn về nhà!
Niệm Phật, kỳ thật chỉ là một lọai tâm tình rất đơn thuần. Tâm tình khi niệm câu “ Nam Mô A Di Đà Phật” này, thì cũng giống như đứa con đọa lạc liêu lổng nhiều năm, nay muôn quay về nhà, khóc thét lên rằng: "Ba ơi! Con muốn về nhà!" loại tâm tình như vậy . Ngay Khi đứa trẻ mê lạc, bổng nhiên hối ngộ, khóc thét lên rằng: “Ba ơi! Con muốn về nhà!”, người cha đã nhiều năm chờ đợi mỏi mòn, ngày nhớ đêm mong đứa con của mình, nhất định sẽ vui mừng đến rơi nước mắt, cho dù có liều cái mạng già cũng sẽ toàn tâm tòan lực cứu giúp đứa con, tiếp rước con về nhà, cho con tất cả sự ấm áp nhất tốt đẹp nhất trong nhà.
Đứa con bị bệnh rồi! thất nghiệp rồi! nợ nần chồng chất! Lại cách nhà rất xa! Con đường hiểm ác v.v. những thứ này đều không phải là vấn đề, tất cả những vấn đề khó khăn này, người cha đều sẽ vì đứa con mà lo liệu giải quyết, vấn đề là ở đứa con có chịu trở về nhà hay không mà thôi.

Vì sao chúng ta niệm Phật mà không thể vãng sanh ?
Dựa trên lý mà nói pháp môn Tịnh Độ là nhờ Phật lực của Phật A Di Đà cứu giúp, thì bảo đảm vãng sanh một trăm phần trăm, nhưng vì sao thấy người niệm Phật hiện nay rất nhiều, nhưng người chân thật có thể vãng sanh thì lại rất là ít vậy? Đây là một vấn đề rất quan trọng , mổi một người niệm Phật phải nghiêm túc đối với việc này, nhất định không được xem thường !
Ngày nay chúng ta niệm Phật không cách gì vãng sanh, then chốt là ở “ không có Tín Nguyện, hoài nghi bất an, sợ chết, vốn không cầu vãng sanh”. Người niệm Phật ngày nay niệm Phật, chỉ là cầu bảo hộ, cầu tiền của, cầu công danh, cầu bình an, cầu thuận lợi, cầu tiêu tai, cầu khỏi nạn, cầu trị bệnh, cầu sống lâu, cầu tất cả lợi ích của thế gian, nhưng tuyệt đối lại không cầu vãng sanh Tây Phương!

Phản tỉnh - Hổ thẹn - Sám hối:
Pháp môn niệm Phật tệ hại đến nước này như ngày nay, thì mổi một đồng tu niệm Phật chúng ta phải nên thống thiết mà phản tỉnh, hổ thẹn mà sám hối. Chúng ta phụ rẩy sự chờ đợi nhớ mong của Phật A Di Đà đã nhiều kiếp! Cũng đã phụ lòng Thích Ca Mâu Ni Phật khẩn thiết dặn dò hết lời khuyên bảo! càng phụ lòng bi tâm kỳ vọng, khuyến tấn tán dương, chứng minh khen ngợi của mười phương tất cả chư Phật! Nghĩ đến chổ này, mổi một người niệm Phật phải nên thống thiết mà rơi lệ, không chổ dung thân!
Mỗi một vị dạy bảo người niệm Phật, cũng phải nên phản tỉnh: tại vì sao đem đại pháp Di Đà nương vào Phật lực, nhất định an tâm, tín nguyện niệm Phật, quyết định vãng sanh thành Phật, thì dạy thành dựa vào tự lực, hoài nghi bất an, không được nhất tâm, không cách gì vãng sanh ?
Mỗi một người học tập pháp môn niệm Phật cũng phải nên phản tỉnh: tại vì sao Tịnh Độ diệu pháp đầy đủ Tín Nguyện, nương vào Phật lực, quyết định vãng sanh, không sợ chết, thích được chết, muốn được đi sớm một chút, thì học thành hư tâm giả nguyện, hoài nghi tự ti, không dám gánh vác tiếp nhận, sợ chết, lo lắng phải chết, trong lòng không hề muốn được đi sớm một chút?

Chân tướng của người niệm Phật không được vãng sanh:
Ngay trong một ngàn người niệm Phật thì có hơn chín trăm chín mươi chín người giả niệm Phật , đây chính là chân tướng vì sao niệm Phật không thể vãng sanh. Thường ngày chúng ta niệm Phật, tâm miệng không đồng nhau, giả tín hư nguyện, trong tâm luôn quyến luyến vướng bận, tuyệt đối chẳng phải vì việc lớn sanh tử, mà chỉ là tất cả lợi ích thế gian; khi vừa đến cửa cải sanh tử, thì nhìn không thấu, buông bỏ không được, lo lắng đầu này, dính mắc đầu kia, nhưng tuyệt nhiên không cầu chết, tuyệt đối không hề cầu chết sớm một chút, để sớm ngày vãng sanh.
Cho nên, tuyệt đại đa số người niệm Phật đem của báo giá trị liên thành, chỉ để đổi thành một cục đường. Do đó niệm Phật chỉ thành phước báo trời người, tạo thành oan nghiệp cho đời thứ ba, mãi mãi ở trong luân hồi, chịu khổ không cùng. 

Văn khuyên niệm Phật

(Thiền sư Đạo Bái)

Nói về tình người, không ai chẳng chán khổ ưa vui, bỏ khổ lấy vui. Vậy mà hiện nay có nhiều sự khổ đau cùng cực, nhưng vẫn không biết chán nản rời bỏ; Lại biết có niềm vui tột bực mà chẳng biết ưa thích nhận lấy. Như thế không phải rất mê lầm hay sao?

Sự khổ đau cùng cực chính là nơi thế giới Ta bà này, sinh-già-bệnh-chết đủ mọi bức bách.

Niềm vui tột bực chính là thế giới Cực lạc của Phật A Di Đà ở phương Tây, có đầy đủ Y báo, Chánh báo thanh tịnh trang nghiêm.

Bậc cao đức ngày xưa, vì thấy chúng sinh mãi mê lầm không thấu suốt nguyên nhân đau khổ và an vui, nên mới so sánh giữa Ta bà và Tịnh độ. Nói rằng:
* Ở cõi này loài người bẩm thọ thân hình máu thịt, có sinh là có khổ; cõi kia thì chúng hữu tình đều hóa sinh nơi hoa sen, không còn sự khổ về sinh.

* Ở cõi này thời tiết đổi dời, con người lần lần đi đến cảnh già yếu; cõi kia không có sự thay đổi nóng-lạnh, chúng sinh không bị khổ suy già.

* Ở cõi này con người mang thân hữu lậu dễ sinh nhiều bệnh hoạn, cõi kia thì chúng sinh thân thể phước báo thanh tịnh, không có sự khổ về đau yếu.

* Ở cõi này ít ai sống đến bảy mươi, cơn vô thường mau chóng; cõi kia thì chúng sinh mạng sống đến kiếp vô lượng vô biên, không có sự khổ về chết.

* Ở cõi này con người bị sợi dây thân tình, ái luyến ràng buộc, chịu nỗi đau khổ vì chia lìa; nơi cõi kia chúng sinh đều là quyến thuộc Bồ đề, nên không bị khổ về ân tình chia cách.

* Ở cõi này có nhiều sự ganh ghét oán thù, nên khi gặp gỡ tất phải chịu nhiều nỗi phiền não khổ đau; nơi cõi kia toàn bậc thiện nhân nên không có sự khổ về oan gia hội ngộ.

* Ở cõi này con người phần nhiều nghèo khổ thiếu kém, tham cầu không thấy đủ; nơi cõi kia, sự thọ dụng về ăn, mặc, ở, các thứ trân báu đều được hóa hiện tự nhiên.

* Ở cõi này con người hình thể xấu xa, các căn không đủ; cõi kia chúng sinh tướng hảo trang nghiêm, thân thể có ánh sáng xinh đẹp.

* Ở cõi này chúng sinh xoay vần trong vòng sinh-tử; nơi cõi kia bậc thượng thiện nhân đều chứng Vô sinh pháp nhẫn (lý thể chân như thật tướng xa lìa sinh diệt).
* Ở cõi này tu hành khó thành đạo quả. Nơi cõi kia mọi người tiến lên ngôi Bất thối chuyển dễ dàng.

* Ở cõi này nhiều gò nổng hang hố, rừng rậm chông gai, đầy dẫy các tướng nhơ ác; nơi cõi kia vàng ròng làm đất, cây báu vút trời, lầu chói trân châu, hoa khoe bốn sắc.

* Ở cõi này rừng Ta La Song Thọ đã khuất bóng đức Phật, hội Long Hoa của Bồ tát Di Lặc còn xa diệu vợi; nơi cõi kia, Di Đà Thế Tôn hiện đang thuyết pháp.

* Ở cõi này chỉ mến danh lành của Bồ tát Quan Âm, Thế Chí; nơi cõi kia, chúng sinh thường làm bạn với các Ngài.

* Ở cõi này bọn ma cùng ngoại đạo làm não loạn người tu hành chân chánh; nơi cõi kia, chỉ thuần là sự giáo hoá của Phật, tà ma không còn dấu vết.

* Ở cõi này tài sắc, âm thanh, danh lợi khiến người tu mê hoặc; nơi cõi kia có Y báo và Chánh báo thanh tịnh, hoàn toàn không có bóng người nữ.

* Ở cõi này ác thú, ma quái gào thét rùng rợn. Nơi cõi kia, chim, nước, cây rừng thường nói pháp mầu.

So sánh hai cõi, cảnh duyên hơn-kém nhau rất xa. Sự thù thắng của cõi Cực lạc thật không sao có thể kể hết!

Nay đã nói rõ đến như thế, vậy mà người đời vẫn mịt mờ, không biết ưa thích niềm vui Cực lạc, chán nản nỗi khổ ở Ta bà, bỏ đây về kia. Đó đều do tập khí hư vọng nhiều đời che đậy tự tâm, trí tuệ chẳng phát sinh, nên xét lý không sáng tỏ.

Than ôi! Người không lo xa ắt có buồn gần. Người đời đều biết có ngày sẽ chết, nhưng chẳng vì điều đó mà chọn lựa nơi tốt đẹp cho thân sau, thật là một lối đi rất sai lầm. Cho nên, Thế Tôn ra đời, dùng nhiều thứ phương tiện khuyên người niệm Phật cầu vãng sinh Tịnh độ, đều là chỉ dạy mọi người một con đường đi.

Kinh A Di Đà nói:

"Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn nghe nói về Phật A Di Đà bèn chấp trì danh hiệu, hoặc một ngày hoặc hai ngày cho đến bảy ngày nhất tâm không loạn. Người ấy lúc sắp lâm chung, Phật A Di Đà cùng chư Thánh chúng hiện ra trước mắt.

Khi người ấy lâm chung, tâm không điên đảo liền được vãng sinh cõi nước Cực lạc của Phật A Di Đà".

Một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày dốc hết lòng niệm Phật, còn được vãng sinh. Thì huống chi một tháng, một năm, cho đến trọn đời dồn hết tâm sức để niệm Phật, chẳng lẽ không được vãng sinh hay sao?

Kinh Quán Vô Lượng Thọ còn nói:

"Nếu có chúng sinh tạo nghiệp bất thiện, năm tội nghịch, mười điều ác. Do nghiệp ác, nên phải đọa vào đường ác. Nếu có thể chí tâm niệm Phật không dứt tiếng, đầy đủ mười niệm xưng Nam Mô A Di Đà Phật. Bởi xưng danh hiệu Phật, nên trong mỗi niệm mỗi niệm trừ được tội nặng của sự sinh tử trong tám mươi ức kiếp. Lúc mạng chung thấy hoa sen vàng giống như mặt trời ở trước mặt, chỉ trong khoảnh khắc liền được vãng sinh Cực lạc".

Người tạo mười điều ác, chỉ trong khoảnh khắc niệm mười câu Phật, nương nguyện lực của Phật còn tiêu diệt tội lỗi được vãng sinh. Huống chi người có lòng tin chân chánh, niệm trăm câu, ngàn câu, muôn câu, cho đến niệm Phật nhiều vô số kể, mà không được tiêu diệt tội lỗi vãng sinh hay sao?

Thế nên, tôi khuyên tất cả người đời nên tranh thủ chút ít thời gian rảnh rỗi trong lúc bận rộn, mỗi ngày niệm Phật hoặc trăm, hoặc ngàn, hoặc muôn câu. Niệm xong rồi thì điền vào vòng tròn, hồi hướng Tịnh độ. Một năm đã mãn, sau đó tính chung lại xem niệm Phật được mấy muôn câu, ghi vào trong sổ, thọ trì suốt đời, dần dần tích lũy Tịnh nghiệp. Người ấy hiện tại được ánh sáng của Phật chiếu soi, tội diệt-phước tăng, về sau được ba vị Thánh ở Tây phương tiếp dẫn sinh về Tịnh độ.

Hạnh chân thật, nguyện chân thật, nhân chân thật, quả chân thật. Nếu chịu tin theo đây mới là người bạn pháp chân thật.